Kim chi nha

Mặt Tối Của Những Lò Đào Tạo Đại Học Từ Tiểu Học

1
hsiao
2025.05.12 Thích 1 Lượt xem 46 Bình luận 0

Trong khi thế giới vẫn ca ngợi Hàn Quốc như hình mẫu của nền giáo dục thành công châu Á, thì ngay trong lòng thủ đô Seoul, một cơn sốt đáng sợ đang ngày càng lan rộng “sản xuất” sinh viên y khoa từ... cấp tiểu học. 

 

 

Cụm từ “Chuẩn bị vào đại học y từ lớp 4” không còn là trò đùa trên mạng. Nó đang trở thành chiến lược kinh doanh hái ra tiền của các trung tâm luyện thi với quảng cáo giật gân, lạm dụng nỗi bất an của phụ huynh và biến giấc mơ đại học thành cơn ác mộng áp lực đè nặng từ tuổi thơ. 

 

Từ nỗi lo của phụ huynh đến chiêu bài “bơm sợ” của học viện 

 

“Chỉ cần không cho con vào lớp ‘Top 1 quốc gia’ hay ‘Lò luyện nhiều thủ khoa nhất’, tôi lại thấy như mình đang bỏ rơi con” lời chia sẻ của một phụ huynh có con học lớp 2 nghe tưởng đùa, nhưng đang là tâm lý thật sự của hàng ngàn gia đình Hàn Quốc. 

 

Với tổng chi tiêu cho giáo dục tư nhân (사교육) trong năm 2024 đạt 29,2 nghìn tỷ won, cao nhất trong lịch sử, làn sóng này không còn là “xu hướng” mà đã trở thành “cơn cuồng”. Và đứng sau nó là hàng loạt quảng cáo gây ảo tưởng: “Học sinh nào cũng tăng điểm vượt bậc sau khóa học”, “Từ lớp 4 bắt đầu luyện y khoa”, “Nếu không đi trước, sẽ tụt lại mãi mãi”... 

 

3 năm, 459 vụ vi phạm nhưng đó mới chỉ là phần nổi 

 

Theo báo cáo do Văn phòng nghị sĩ Kim Moon-su (Đảng Dân chủ) công bố ngày 11/5, số trường hợp quảng cáo sai lệch, phóng đại của các học viện và cơ sở dạy thêm tăng liên tiếp: 

 

  • 2022: 149 vụ 
  • 2023: 183 vụ 
  • 2024: 459 vụ tăng gấp đôi so với năm trước. 

 

 

Đặc biệt, tỉnh Gyeonggi (99), Seoul (68), và Busan (66) là những địa phương dẫn đầu về số lượt vi phạm. Điều này phản ánh tình trạng cạnh tranh dữ dội, nơi từng tòa nhà ở khu Daechi-dong “thánh địa học viện” chất đầy các trung tâm dạy thêm từ tầng trệt đến sân thượng. 

 

Trẻ em nạn nhân của chiến dịch "tăng tốc từ bé" 

 

Không chỉ quảng cáo sai sự thật, hàng loạt học viện công khai mở lớp "tiểu học luyện vào y" với nội dung vượt xa chương trình từ dạy trước kiến thức trung học cơ sở, thậm chí là phổ thông. Tại một học viện ở Daechi-dong, học sinh lớp 6 được yêu cầu hoàn thành 3 vòng ôn luyện chương trình lớp 78 trong 4 tháng. 

 

 

Một học viện khác tuyên bố có thể giúp học sinh tiểu học hoàn tất toàn bộ chương trình Toán phổ thông nâng cao chỉ trong 1 năm. 

 

Các học viện không ngần ngại khẳng định: “Nếu muốn đỗ y, học sinh phải hoàn tất chương trình trung học từ cấp 1”. Đây không còn là lời khuyên học thuật mà là hệ thống hóa cuộc chạy đua đường dài bằng áp lực ngay từ giai đoạn hình thành nhân cách trẻ. 

 

Quản lý quá tải liệu có thể kìm hãm “cơn sốt học viện”? 

 

Chính phủ đã nhận diện vấn nạn. Một cuộc kiểm tra chuyên đề vào hè 2024 với các lớp "tiểu học luyện y" đã phát hiện: 145 trường hợp vi phạm Bao gồm 1 án đình chỉ hoạt động, 59 trường hợp bị trừ điểm và yêu cầu sửa chữa, 71 hướng dẫn hành chính, và 14 trường hợp phạt tiền. 

 

 

Tuy nhiên, theo ông Baek Byung-hwan trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện chính sách “Không còn lo lắng vì giáo dục tư nhân” biện pháp hiện tại chỉ như “rót nước vào đá nóng”. Với dân số học đường giảm nhưng áp lực vào đại học danh giá không giảm, học viện càng đua nhau lách luật. 

 

Ông Baek nhấn mạnh: “Đã đến lúc cần một cơ quan quản lý giáo dục tư nhân chuyên biệt ví dụ như Trung tâm Quản lý Quốc gia về Giáo dục Ngoài Công lập trực thuộc Bộ Giáo dục với nhân sự và ngân sách riêng để kiểm soát triệt để hành vi vi phạm.” 

 

Tương lai nào cho trẻ em nếu ngay cả tuổi thơ cũng phải "thi đua"? 

 

Ở Hàn Quốc, một đứa trẻ mới 10 tuổi đã có thể được kỳ vọng hoàn tất kiến thức cấp 2, vì giấc mơ trở thành bác sĩ. Nhưng cái giá phải trả là một tuổi thơ đánh mất, một nền giáo dục bị thương mại hóa đến tận gốc rễ. Sự thành công của một quốc gia không thể chỉ được đo bằng số lượng sinh viên vào được đại học hàng đầu mà còn nằm ở cách mà xã hội ấy bảo vệ được quyền được lớn lên đúng nghĩa của một đứa trẻ.

Bình luận 0

/upload/bf44f8d0ab2947378ce264d6bd29e873.webp

Văn hóa

19 20 21 22 23